Sự nghiệp Vu_Thành_Long

Xuất sĩ làm quan

Năm Thuận Trị thứ 18 (1661), Vu Thành Long đã 45 tuổi thì nhận được ủy nhiệm của triều đình nhà Thanh đến La Thành của Quảng Tây nhận chức Tri huyện.[Chú 2] Lúc bấy giờ, La Thành là nơi xa xôi lại thêm chiến loạn kéo dài và nhân khẩu trong vùng thưa thớt chỉ vẻn vẹn có sáu hộ gia đình, hoàn toàn không có thành trì hay nơi làm việc cho quan viên.[11] Chỉ sau một thời gian, Vu Thành Long đã làm yên lòng bách tính đồng thời lập nên chế độ bảo giáp[Chú 3] ở địa phương và nghiêm trị đạo tặc. Sau khi trị an trong thành dần ổn định, vì nhân khẩu trong thành quá ít mà ông đã chiêu mộ lưu dân để khôi phục sản xuất sinh hoạt và báo lên trên xin mở rộng lao dịch. Ngoài ra, ông còn động viên người dân tu sửa nhà ở, trường học, viện dưỡng lão và viện cứu tế giúp cho mọi người có thể tiếp cận với nền giáo dục và người nghèo lẫn mẹ góa con côi có nơi để sinh sống. Trong suốt khoảng thời gian này, ông rất được lòng dân nhờ sử dụng biện pháp có cương có nhu giải quyết những hành vi cường hào ác bá[Chú 4] ức hiếp dân lành. Chỉ trong vòng ba năm, La Thành đã dần trở thành một nơi trăm họ an cư lạc nghiệp.[12][13]

Năm Khang Hi thứ sáu (1667), nhờ những thành tích vượt trội của mình, Vu Thành Long được Tuần phủ Quảng Tây Kim Quang Tổ và Tổng đốc Lưỡng Quảng Lư Hưng Tổ tiến cử vì "Trác dị" (hơn hẳn mọi người).[9][14] Ông được thăng chức thành Tri châu của Hợp Châu thuộc Tứ Xuyên.[15] Hợp Châu sau khi trải qua thời gian dài chiến loạn, nhân khẩu chỉ khoảng hơn 100 người và hơn nữa thuế má sưu dịch lại cao. Sau khi Vu Thành Long nhận chức, ông nghiêm cấm quan viên quấy nhiễu người dân. Vì để khai thác nhiều đất hoang hơn, ông quy định người đầu tiên đến canh tác vùng đất nào thì sẽ là người sở hữu mảnh đất đó, đồng thời yêu cầu các quan huyện chú ý giúp đỡ những khó khăn trong việc canh tác và ổn định chỗ ở cho những người dân mới đến. Ông ra lệnh cho quan huyện hỗ trợ phân ranh giới ruộng đất nhà cửa, đăng ký ghi tên, cho vay tiền mua hạt giống để cày ruộng và thay đổi quy định thành ba năm không thu thuế ruộng. Chỉ trong vòng một tháng, nhân khẩu của Hợp Châu đã tăng đến hơn 1000 người.[9][16]

Lưỡng Hồ

Năm thứ tám (1669), Vu Thành Long được phong làm Đồng tri của Hoàng Châu phủ thuộc Hồ Quảng.[Chú 5] Lúc bấy giờ, vấn đề trị an của Hoàng Châu cực kỳ bất ổn, ảnh hưởng lớn đến sự yên ổn của địa phương và sinh hoạt của người dân. Vì để hiểu rõ tình hình trộm cướp, ông nhiều lần cải trang đi tuần tra. Sau một thời gian tìm hiểu rõ ràng, ông liền tóm gọn nhóm đạo tặc ở địa phương. Đối với phạm nhân, Vu Thành Long chủ trương sử dụng hình phạt một cách thận trọng và lấy giáo dục làm điểm chính. Ông áp dụng tư tưởng "Khoan nghiêm tịnh trị" (Khoan dung nghiêm khắc rồi mới trị) và "Lấy đạo trị đạo", đạt hiệu quả rất tốt.[17][18]

Trong phương diện kiện tụng và xử án, Vu Thành Long rất giỏi việc phát hiện vấn đề từ trong những chi tiết nhỏ nhặt. Ông thường cải trang vi hành, thể nghiệm và quan sát dân tình. Do nổi tiếng là quan thanh liêm, ông được người dân ca tụng là "Vu Thanh Thiên".[19][20][21] Một lần nữa nhờ thành tích vượt trội của mình, Vu Thành Long được Tuần phủ Hồ Quảng Trương Triêu Trân tiến cử vì tiếp tục là "Trác dị" lần thứ hai.[17][22]

Năm Khang Hi thứ 13 (1674), Vu Thành Long thay quyền[Chú 6] Tri phủ Vũ Xương, đúng lúc gặp phải sự bùng nổ của Loạn Tam Phiên. Ông ra mặt kêu gọi hòa bình và làm ổn định tâm tình người dân địa phương khi tự mình dấn thân vào nguy hiểm để thuyết phục dân chúng bạo loạn chấm dứt hành động.[23] Tháng tám năm đó, Vu Thành Long được điều đến Hoàng Châu làm Đồng tri.[24] Cùng thời gian đó phản quân cầm đầu bởi Hà Vĩ Sinh từ Trường Sa chạy đến huyện Hoàng Cương để liên lạc với thân hào địa phương tạo phản với thế lực lớn khiến tình thế vô cùng nguy cấp. Vu Thành Long liền triệu tập dũng sĩ địa phương nghênh chiến và chính ông cũng đi đầu làm gương cho binh sĩ khiến sĩ khí nâng lên cực cao. Cuối cùng, Vu Thành Long dựa vào "hai ngàn dân chúng, giết mấy vạn địch" và còn bắt sống được Hà Vĩ Sinh. Sau đó, đợt nổi loạn này kết thúc.[2][22][25]

Phúc Kiến

Năm thứ 17 (1678), ông nhận chức Án sát sứ tại Phúc Kiến.[26] Đương thời, triều đình Nhà Thanh vì để đối phó thế lực chống Thanh của họ Trịnh ở Đài Loan mà thi hành chế độ "Hải cấm" (cấm biển). Quan viên địa phương không quan tâm đến cảnh lầm than của dân suốt nhiều năm và thường xuyên lấy tội danh "thông hải" (đi đường biển) mà bắt oan bỏ tù nhiều dân chúng. Sau khi Vu Thành Long biết được việc này đã lập tức đưa các vụ án này ra thẩm tra lại kỹ càng. Sau sự nỗ lực và chủ trì của ông, hơn một ngàn dân chúng vô tội được thả ra.[2] Cũng nhờ việc này mà Vu Thành Long được tiến cử "Trác dị" lần thứ ba.[17][27]

Năm thứ 18 (1679), Vu Thành Long thăng chức làm Bố chính sứ của tỉnh Phúc Kiến, lúc Tuần phủ Phúc Kiến Ngô Hưng Tộ dâng tấu tiến cử lên triều đình đã xưng Vu Thành Long là "Mân tỉnh liêm năng đệ nhất".[28] Năm sau, ông trực tiếp được đề bạt lên đến chức Trực Lệ Tuần phủ.[29] Tháng hai năm kế tiếp, Khang Hi Đế đích thân triệu kiến Vu Thành Long ở Mậu Cần điện, ban thưởng cho hai ngàn lượng bạc trắng, một con ngựa ngự dụng, lại tự mình làm một bài thơ tán thưởng năng lực và sự liêm khiết của ông, lại khen ông là "Thanh quan đệ nhất" (quan thanh liêm đệ nhất).[30][31][32] Đến tháng 10, ông lại đến hành cung thỉnh an, được Khang Hi Đế triệu vào bí mật bàn bạc về nghề sinh sống của dân chúng và công việc của quan chức địa phương. Lúc ra về thì Vu Thành Long được ban thưởng cho quần áo ngự dụng.[Chú 7][33]

Lưỡng Giang

Năm thứ 21 (1682), ông được phong chức làm Tổng đốc Lưỡng Giang,[Chú 8] một vị trí lãnh đạo trong hàng thứ nhất của triều Thanh. Trước khi thăng quan, ông đã đề bạt "tiểu Vu Thành Long"[Chú 9] từ Tri phủ Thông Châu làm Tri phủ Giang Ninh.[34] Đầu nhiệm kỳ, ông chỉ quản lý hai tỉnh của Giang Nam, còn Tổng đốc Giang Tây do Đổng Vệ Quốc đảm nhiệm. Sau khi tin tức Vu Thành Long nhận chức Tổng đốc truyền ra ngoài, giá vải ở Nam Kinh tăng lên nhanh chóng: "Toàn bộ thành Kim Lăng đều đổi thành quần áo vải, cho dù là cưới gả cũng không dám dùng âm nhạc, sĩ phu giảm bớt, thậm chí có người hoảng sợ không dám ra khỏi nhà".[35] Cùng năm này, ông được ban hàm Thượng thư bộ Binh kiêm Hữu Phó Đô ngự sử Đô sát viện.[36]

Năm thứ 23 (1684), giờ Mão ngày 18 tháng tư (âm lịch), Vu Thành Long qua đời khi đang giữ chức Tổng đốc Lưỡng Giang. Sau khi người dân Nam Kinh nghe tin, "bất kể nam nữ lớn nhỏ, khắp các ngõ hẻm đều khóc thương đình công"; Khang Hi Đế phá lệ đích thân soạn viết văn bia cho Vu Thành Long, lại ban cho một tấm biển "Cao hành thanh túy"[Chú 10] ca ngợi một đời liêm khiết của ông[37], truy thụy cho Vu Thành Long hai chữ "Thanh Đoan" (清端)[12][38] với hàm Thái tử Thái bảo.[35] Vu Thành Long được đưa về chôn cất ở quê nhà Vĩnh Ninh.[30][39] Năm Ung Chính thứ 10, Vu Thành Long được đưa vào thờ tự trong "Hiền lương từ".[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vu_Thành_Long http://politics.people.com.cn/n/2014/0923/c1001-25... http://newpaper.dahe.cn/hnsb/html/2014-03/28/conte... http://bdzy.hebeicourt.gov.cn/public/detail.php?id... http://www.huangzhou.gov.cn/article/19/8122.aspx http://www.hubei.gov.cn/gzhd/zwpl/gfsy/201702/t201... http://www.lishi.gov.cn/whly/lsmr/201803/t20180319... http://v.mos.gov.cn/lzjy/ycl/ http://epaper.jinghua.cn/html/2014-05/23/content_9... http://www.quanxue.cn/LS_Qing2/ZhengChen/ZhengChen... http://www.quanxue.cn/LS_Qing2/ZhengChenIndex.html